CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY KHÔNG PHẢI CỦA RIÊNG AI!
Tình hình chung cư và nhà cao tầng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) còn nhiều bất cập đã dẫn đến thực trạng PCCC tiềm ẩn nhiều nguy cơ tại nhiều chung cư, nhà cao tầng. Nhiều vụ cháy với thiệt hại lớn về người và tài sản đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn PCCC.
Hiện nay, tồn tại nhiều dự án nhà cao tầng đã được xây dựng từ khi Luật PCCC còn đơn giản, sơ sài nên thực trạng PCCC chưa đảm bảo và tiềm ẩn về nguy cơ cháy nổ khá phổ biến. Cùng với đó là sự chủ quan trong công tác PCCC được chỉ ra tại nhiều dự án chung cư đang mọc lên ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.
Thực trạng này cho thấy nhiều nhà đầu tư xây dựng công trình cao tầng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC. Theo phản ánh của các báo, đài, trang mạng xã hội, tại nhiều chung cư, hệ thống PCCC chỉ mang tính hình thức, đối phó. Chính vì thế, tình trạng nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng dù đầy đủ các thiết bị PCCC nhưng khi xảy ra sự cố lại không sử dụng được khá phổ biến. Bên cạnh đó, người dân cũng chưa được tham gia các lớp kỹ năng và diễn tập PCCC thường xuyên; thiếu kiến thức, kỹ năng để xử lý tình huống trong các vụ cháy, nên khi xảy ra sự cố cháy, hầu hết người dân đều hoảng loạn và mất bình tĩnh.
Để hạn chế tối đa nguy cơ cháy nổ, việc phòng cháy là quan trọng và cần được ưu tiên hơn công tác chữa cháy. Do đó, các chung cư, tòa nhà cao tầng nên được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo chấp hành nghiêm ngặt các quy định về an toàn cháy nổ. Đồng thời, hệ thống các thiết bị cảnh báo cháy nổ, hỗ trợ chữa cháy cũng cần được bảo trì và giám sát thường xuyên. Hệ thống camera giám sát, hệ thống báo khói, báo cháy nổ cần được trang bị để đảm bảo hiệu quả phòng cháy… Việc nhanh chóng phát hiện sự cố sẽ giúp kịp thời xử lý mọi nguy cơ phát sinh cháy nổ, hạn chế thiệt hại về người và tài sản.
Để xảy ra cháy nổ tại chung cư, nhà cao tầng chủ đầu tư có thể bị phạt tù đến 12 năm
Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 được sử đổi, bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy:
"1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
* Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên có thể bị phạt tối đa 12 năm tù.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Lưu ý: Trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum.