TÍNH DÂN CHỦ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách cách mạng có tính dân tộc sâu sắc. Cuộc cách mạng đã giải phóng đất nước khỏi ách thống trị ngoại bang, khôi phục nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng hàng đầu mà biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước đã không ngại gian khó, hy sinh để đạt cho kỳ được. Vì nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Đảng ta đã quyết định phải tạm gác việc thực hiện một số nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn thế hiện rõ tính chất dân chủ.
Quảng Trường Ba Đình chiều ngày 02-9-1945
Đối với cộng đồng dân tộc Việt Nam lúc đó đang rên xiết dưới ách thống trị ngoại bang, bản thân việc thực hiện nhiệm vụ dân tộc đã mang tính chất dân chủ. Khác với các xã hội phương Tây, hệ giá trị nhân văn, nhân bản của người Việt Nam bao giờ cũng đề cao tính chất cộng đồng, và cộng đồng dân tộc là to lớn nhất, quan trọng nhất. Đó chính là cơ sở sâu xa của truyền thống yêu nước Viêt Nam, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam. “Nước mất” thì “nhà tan”, chừng nào dân tộc còn bị nô dịch, bị tước đoạt quyền tồn tại độc lập và quyền tự do lựa chọn con đường phát triển thì lợi ích và quyền làm chủ vận mệnh bản thân của mỗi cá thể cũng như toàn thể cộng đồng đều bị xâm hại. Vì vậy, với việc đập tan xiềng xích thực dân, xiềng xích phát xít, khôi phục dân tộc, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện tính chất dân chủ sâu sắc.
Giải quyết vấn đề ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng” là nội dung rất quan trọng trong nhiệm vụ dân chủ của một cuộc cách mạng tại một nước nông thôn - nông nghiệp - nông dân như Việt Nam lúc đó. Tuy nhiên, vấn đề ruộng đất không bao hàm tất cả nội dung dân chủ của cuộc cách mạng. Vấn đề ruộng đất chỉ liên quan đến thiết chế kinh tế của một hệ thống kinh tế - xã hội - chính trị to lớn hơn là chế độ quân chủ đã tồn tại hơn nghìn năm ở Việt Nam. Tất cả các cuộc vận động dân chủ truớc đó sở dĩ thất bại chính vì không đập tan được hệ thống kinh tế - xã hội - chính trị quân chủ với tư cách là một chế độ xã hội. Vì vậy, với việc xóa bỏ chế độ quân chủ từ Trung ương tới làng xã, lập nên chính thể Dân chủ Cộng hòa, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự là cuộc cách mạng dân chủ đầu tiên và to lớn nhất trong toàn bộ lịch sử Việt Nam.
Việc thực hiện 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, trước hết ở Khu giải phóng, sau đó trên phạm vi rộng hơn sau khi chính quyền cách mạng được thiết lập đã cho thấy rõ ràng tính chất dân chủ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939 - 1945), cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam nhằm chống lại phát xít Nhật, cũng như tập đoàn thống trị thực dân Pháp đang cộng tác với phát xít Nhật nhằm giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam khi đó nằm trong cuộc đấu tranh chung rộng lớn của toàn nhân loại chống lại kẻ thù to lớn nhất của nền dân chủ là chủ nghĩa phát xít. Vì vậy, tính chất dân chủ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 còn mang ý nghĩa thời đại là dân chủ chống phát xít, chống xâm lược.
Hơn thế nữa, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng mang tính chất nhân dân điển hình. Hình thái diễn biến của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền thể hiện rõ sự tham gia vô cùng đông đảo của hàng triệu quần chúng thuộc đủ mọi tầng lớp, từ Bắc tới Nam, cả ở nông thôn và thành thị vào các cuộc mít tinh và biểu tình khổng lồ làm tan rã chính quyền thân Nhật và lập nên chính quyền cách mạng. Chưa bao giờ quần chúng nhân dân tham gia đông đảo và tích cực đến như thế vào một cuộc khởi nghĩa toàn dân tộc để đập tan chế độ xã hội cũ, thiết lập chế độ xã hội mới. Đây chính là bằng chứng hiển nhiên cho thấy rõ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thực sự là sự nghiệp của quần chúng nhân dân Việt Nam, được sáng tạo nên một cách có ý thức, với một ý chí vô cùng mạnh mẽ của một khối đoàn kết vô cùng rộng lớn và vững chắc.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Kon Tum.